Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Họp nghiệm thu bản thảo Tư liệu phương Tây trước 1945
Thứ sáu, 27/03/2015 03:56

Vào hồi 16h ngày 26/3/2015 tại Hội trường Nhà xuất bản Hà Nội đã diễn ra cuộc họp nghiệm thu bản thảo “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Tư liệu phương Tây trước 1945” do PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên.

 
Tham dự cuộc họp có các nhà khoa học là các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, tư liệu lưu trữ do GS.TS Đỗ Thanh Bình - Nguyên chủ nhiệm khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội làm chủ tịch hội đồng, các thành viên Ban Quản lý Dự án, các biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội.

GS.TS. Đỗ Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu điều hành phiên họp. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Trong giai đoạn I của Tủ sách, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ cùng các cộng tác viên đã biên dịch cuốn Tư liệu văn hiến Thăng Long Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây, được độc giả đánh giá cao. Cuốn sách này là sự phát triển mở rộng, tiếp nối cuốn sách trước, nhưng vẫn mang tính chất là một công trình độc lập riêng biệt. Đây là một Tuyển tập các công trình dịch thuật, có sự chọn lọc kỹ lưỡng, chú ý đến những tiêu chí tiêu biểu và tính chất cân đối về thời gian, không gian và các lĩnh vực. Tuyển tập Tư liệu phương Tây trước 1945 phản ánh lịch sử nhưng không sa đà vào những sự kiện chính trị, mà tập trung vào những thiết chế chính trị và các mặt đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa. Tính thực chứng của văn bản, nguồn gốc xuất xứ, tác giả, nơi xuất bản được xác định rõ sẽ là những tư liệu được ưu tiên lựa chọn. Các tư liệu được khảo chứng, thẩm định và đánh giá về nội dung, quan điểm. Cuốn tư liệu phương Tây này có mục đích tích lũy, làm giàu thêm kho dữ liệu thông tin về Thăng Long - Hà Nội (kể cả vùng đất mở rộng hiện nay). Về tiêu chí thời gian Tuyển tập tư liệu phương Tây lần này đã tập hợp những tư liệu dịch trước 1945: là những tư liệu của các tác giả sống trước năm 1945.

Bà Nguyễn Thị Bình, thay mặt nhóm biên soạn trình bày khái quát nội dung đề tài trước Hội đồng. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đều thống nhất ý kiến đánh giá: Cuốn sách đáp ứng cao mong muốn tìm hiểu kỹ lưỡng và có hệ thống về quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô Thăng Long - Hà Nội trong nhiều thế kỷ. Chủ biên và nhóm biên dịch đã lựa chọn và lược dịch nhiều tư liệu mới, quý, không trùng lặp về Thăng Long - Hà Nội trước năm 1945, phục vụ rất tốt cho công tác nghiên cứu toàn diện về Thăng Long - Hà Nội. Bản dịch, mặc dù gọi là tư liệu, nhưng khi đọc gần như là một cuốn sách được viết có đầu có cuối, chặt chẽ như một cuốn chuyện không khô khan, cuốn hút người đọc, giúp người đọc hình dung được xã hội Việt Nam, hình dung được Thăng Long - Hà Nội thời trước năm 1945. Đọc những tư liệu này, đối chiếu các vấn đề mà cuốn tư liệu cung cấp với bây giờ (như cung cách quản lý xã hội, hay cách giải quyết những vấn đề cụ thể liên quan đến con người, đến người dân... ), nhiều điều phải suy ngẫm. Bản thảo cuốn sách đã được nhóm biên dịch, gồm những giảng viên, nghiên cứu viên, những nhà chuyên môn nghiên cứu lịch sử làm việc trong các trường đại học, trung tâm học thuật thực hiện nghiêm cẩn và với tinh thần trách nhiệm cao nhất.   

PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng, phát biểu ý kiến đóng góp với nhóm thực hiện. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Các thành viên của hội đồng gồm GS.TS Đỗ Thanh Bình, PGS.TS Nguyễn Văn Kim, PGS.TS Đào Tuấn Thành, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi, PGS.TS Phạm Xuân Hằng, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn cũng đã đóng góp một số ý kiến để PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ cùng nhóm biên soạn hoàn thiện bản thảo. Chủ biên và nhóm biên soạn cần rà soát chỉnh sửa lỗi kỹ thuật đến mức tối đa. Cần tách bạch phần bình của người biên dịch/nhóm biên dịch và phần dịch nguyên bản từ tư liệu gốc. Chủ biên cần ra soát kỹ hơn các phần dịch, một số đoạn chưa dịch, hay dịch chưa thoát ý cần có sự hiệu đính, nhất là có chú thích. Nên lược bỏ bớt một số đoạn dịch có nội dung không quan trọng liên quan đến Thăng Long - Hà Nội, hoặc có nội dung ít liên quan đến chủ đề cơ bản của cuốn Tư liệu nhằm nâng cao giá trị của cuốn sách. Việc chuyển ngữ sang tiếng Việt hiện đại từ tiếng Pháp, tiếng Anh thế kỷ XVII - XIX là hết sức khó khăn, tuy nhiên, với những thuật ngữ phổ biến như Tunkin/Tonkin/Tunquin, Cochinchine, Annam… cần có được sự thống nhất nhất định. Cần có được những chú giải ở những chi tiết có thể gây khó hiểu cho người đọc, thậm chí với cả các nhà chuyên môn. Điều này sẽ rất có giá trị nhằm bổ khuyết cho chính sử, hay các nguồn sử liệu Việt Nam từ chính góc nhìn, ghi chép của chính những người trong cuộc, từ một “cái nhìn hiếu kỳ của người khác”.

Thay mặt Chủ đầu tư, Ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng ban Quản lý Dự án đã cám ơn những ý kiến đóng góp hoàn thiện bản thảo của các nhà khoa học. PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ là nhà khoa học có tâm huyết với thủ đô Hà Nội, nghiêm túc trong công việc. Những công trình khoa học do ông thực hiện bao giờ cũng nhận được những đánh giá cao của độc giả và người nghiên cứu. Cuốn sách Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liêu phương Tây trước 1945 chắc chắn sẽ đáp ứng được sự mong đợi của độc giả. Nhà xuất bản sẽ tiếp tục phối hợp cùng chủ biên hoàn thiện bản thảo để cuốn sách sớm tới tay bạn đọc.
 
 
QH
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá