Khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội (1898-2008): Công trình có tính tổng kết thành tựu trong hơn một thế kỷ
Theo nhìn nhận của nhà giáo nhân dân Hoàng Văn khoán, công trình với hơn 20 người tham gia viết, nhưng chủ biênđã thống nhất được các trình bày: vị trí địa điểm khảo cổ, các hố khai quật, địa tầng, di tích, di vật, cuối cùng là xác định niên đại, giá trị lịch sử, văn hóa. Sách được trình bày hợp lý, phân các lớp văn hóa các địa điểm khảo cổ học khác nhau theo thời gian: Tiền Đông Sơn, Đông Sơn và khảo cổ học lịch sử. Cuối mỗi thời kỳ có phần tổng quan đánh giá chung giá trị lịch sử văn hóa của thời kỳ đó.
Công trình được thực hiện bởi nhiều người nên không tránh khỏi có sự chênh lệnh về nội dung, cách viết giữa các chuyên đề, bên cạnh nhiều chuyên đề viết tốt, có các bản vẽ, bản ảnh minh họa còn có một số chuyên đề viết chưa thật tốt. Với mong muốn bản thảo được tốt hơn trước khi đến tay bạn đọc, PGS.TS. Hoàng Văn Khoán có một số góp ý.
Trong các địa điểm văn hóa Đông Sơn, địa điểm nào cũng có đồ sắt, đặc biệt địa điểm Đường Mây có 72 công cụ sản xuất, 60 hiện vật không rõ hình dáng. Giá trị lịch sử văn hóa chỉ mới đề cập được một mặt niên đại. Số lượng đồ sắt như vậy không được nói đến. Bởi từ kỹ thuật chế tạo đồng sang kỹ thuật sắt là một bước ngoặt mang tính cách mạng trong kỹ thuật luyện kim. Kỹ thuật đồng là nấu chảy đồng, còn kỹ thuật sắt là phương pháp hoàn nguyên trực tiếp, sau đó là các phương pháp rèn, đúc, tôi vv… Bản thân PGS.TS. Hoàng Văn Khoán đã cùng với bộ môn Luyện kim đen trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực nghiệm một lò luyện sắt tại Nho Lâm đã tìm ra phương pháp luyện kim đen Việt Nam. Ông đã phân tích Kim tướng học, nghiên cứu một chiếc rìu sắt ở gò Chiền Vậy độ sâu 1,80m tìm ra kỹ thuật đúc gang rèn. Nhiều rìu sắt ở Đường Mây được đúc bằng gang. Những kết quả này đã được GS. Hà Văn Tấn báo cáo tại Hội nghị Khảo cổ học ở Paris và đăng trong Tạp chí BEFEO.
Trong bản thảo, các tác giả có đề cập đến địa điểm đền Thượng, đây là một địa điểm rất hay - địa điểm đúc mũi tên đồng 3 cạnh, mũi tên đồng Cổ Loa. Nó có nhiều ý nghĩa: Xưởng đúc vũ khí được đặt trong Hoàng cung để giữ bí mật quân sự. Mặt khác từ đền Thượng cần nối với kho mũi tên Cầu Vực, những lãy nỏ phát hiện trên đất Cổ Loa, với sự tích Cao Lỗ với câu chuyện tình yêu đắm đuối của Mỵ Châu để nỏ thần trót sang tay giặc. Tất cả làm nổi lên một vấn đề về tình hình quân sự và vũ khí của An Dương Vương.
Về vấn đề cột âm và cột dương là hiện tượng đặc biệt. Theo PGS.TS. Hoàng Văn Khoán thì cột dương là chân có đá tảng nằm trên nền, các cột đó là cột cái và cột quân. Cột âm là các cột hiên, đầu là đỡ mái, chân chôn xuống đất là để định vị kiến trúc, chống bão lụt. Cột chôn rất dễ thay thế. Hiện tượng này rất phổ biến mang tính truyền thống trong kiến trúc người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ.
Với Đoài Môn (Ủng Thành) không thấy trình bày các di vật và địa tầng thời Lý, nhưng lại kết luận: “đây là địa bàn ổn định của cư dân Đại Việt trong suốt một thời gian dài từ cuối thời Lý đến thời Lê sơ”.
Về địa điểm xóm Đồng được nêu trong bản thảo thì rồng được tạo hình từng con một trên mảnh đất mỏng rồi dán lên cột bệ toàn sen. Vậy cột bệ toà sen làm bằng vật liệu gì? Đất, gỗ, đá và đá gì? Không được mô tả. Kỹ thuật đó chỉ dán được trên cột đất, mà cột bệ không thể làm bằng đất.
Về tiêu chí phân loại: Các địa điểm phát hiện ngẫu nhiên được tác giả phân làm 2 loại. Loại có hiện vật tiêu biểu và loại có tầng văn hóa bị gián đoạn. Tiêu chí phân loại như vậy là khập khiễng. Theo ông nên chia làm 2 loại: loại cất dấu và loại phát hiện ngẫu nhiên. Địa điểm Mả Tre và Cầu Vực là loại cất giấu có ý đồ của con người. Thời điểm chôn cất này là sau khi Trọng Thủy nắm được kỹ thuật cung nỏ thì về xúi cha cất quân đến đánh. An Dương Vương lại mất hết lẫy nỏ bèn thực hiện cất giấu của quý - một kiểu vườn không nhà trống. Kế hoạch này nhà Trần cũng thực hiện khi quân Mông Nguyên tràn vào và càng rõ ràng thành chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời gian chống Pháp là vườn không nhà trống. Loại phát hiện ngẫu nhiên là loại không có chủ đích.
Lưỡi cày đồng phát hiện ở Mả Tre, Chủ Văn Tần phân loại theo cách phân loại khảo cổ thông thường. Chúng ta đều biết hiện vật khảo cổ là hiện vật “câm”. Nhà khảo cổ phải thức tỉnh nó - có nghĩa là phải nói rõ ý nghĩa và vai trò của nó. Khi phát hiện loại lưỡi cày này (lúc đó mới chỉ có 4 chiếc), Trần Quốc Vượng và Nguyễn Đổng Chi cho là vật thờ cúng. Ý kiến của PGS.TS. Hoàng Văn Khoán ngược lại, bởi Ăngghen cho rằng những lưỡi cày bằng kim loại dù chỉ bằng chuột chù dúi đất thì năng suất cũng cao hơn trước. Xuất phát từ ý kiến đó ông đã đúc lại 2 lưỡi cày Cổ Loa, sau đó làm thực nghiệm trên 10 đất khác nhau. Mỗi thửa cày bằng sức kéo của người, sức kéo bằng trâu, cày bằng 3 đối tượng khác nhau: cụ già, thanh niên và phụ nữ. Thực nghiệm trên vùng đất Đông Xuất (xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), quê hương của nghề làm cày.
Kết luận đượcc rút ra là người Cổ Loa đã cày đất bằng lưỡi cày kim loại, có sức kéo bằng động vật, lưỡi cày Cổ Loa là cày lật đất một phía. Tất cả nói lên sự phát triển nền nông nghiệp thời đại Đông Sơn nói chung và Cổ Loa nói riêng.
Sau đó một chuyến đi nghiên cứu do Trần Quốc Vượng dẫn đầu gồm có cụ Từ Chi, Lê Bá Thảo, Đào Hùng và tôi nghiên cứu về nông nghiệp Cổ Loa, sau đó tôi có hai bài viết về nông nghiệp Cổ Loa thời cổ. Tôi không thấy các tác giả tận dụng.
Ngoài những ý kiến đóng góp cụ thể cho những vấn đề lớn được đề cập trong bản thảo, PGS.TS. Hoàng Văn Khoán cũng chỉ ra một số chỗ chưa thống nhất trong cách gọi, ông mong muốn các tác giả có sự thống nhất trong cách gọi tên, sự ra đời của các tổ chức phải chuẩn xác và thống nhất để cuốn sách đến gần với đông đảo bạn đọc.
Ly Đàm
(Tổng hợp theo ý kiến nhận xét của PGS.TS. Hoàng Văn Khoán)