Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Xã Châu Sơn với những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu
Thứ năm, 19/12/2019 03:52

Ngày 12/8/1991, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 đã ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới của Thủ đô Hà Nội, trong đó chuyển huyện Mê Linh về tỉnh Vĩnh Phúc, thị xã Sơn Tây và 5 huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì và Thạch Thất về tỉnh Hà Tây (được tái lập theo cùng Nghị quyết). Từ đó, xã Ba Vì thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết số 15 điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, trong đó sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Từ ngày 1/8/2008, quyết định mở rộng địa giới hành chính Thành phố Hà Nội chính thức có hiệu lực thi hành. Từ đó đến nay, xã Châu Sơn là một trong 31 xã và thị trấn thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Xã Châu Sơn có hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể khá phong phú. Bạn đọc có thể tìm hiểu về đời sống kinh tế, văn hoá của vùng đất này trong bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” gồm 10 tập do PGS.TS Vũ Văn Quân chủ biên, nằm trong cơ cấu đề tài Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019. Trong “Tập 8 - Thị xã Sơn Tây - Huyện Ba Vì - Huyện Thạch Thất”, PGS.TS Vũ Văn Quân đã thống kê khá toàn diện về hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của vùng đất Sơn Tây, trong đó có xã Châu Sơn, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Đình Hoắc Châu được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố năm 2014; thuộc thôn Hoắc Châu, xã Châu Sơn, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Đình thờ Trần Quốc Chân, một trung thần triều Trần, có công đánh giặc Nguyên Mông và chinh phạt Chiêm Thành nên được phong là Phụ Quốc thượng tể. Ông là nhạc phụ của vua Trần Minh Tông. Do vương triều Trần bước vào giai đoạn suy thoái, trong triều đình chia bè phái, ông bị hãm hại. Sau này, vua Trần Minh Tông đã minh oan cho ông.

Nhân dân địa phương cho biết, đình Hoắc Châu được xây dựng vào năm Chính Hòa Canh Thân (1680), đến năm Ất Mùi (1704) trùng tu lại. Trong kháng chiến chống Pháp, đình đã bị tiêu thổ kháng chiến, chỉ còn lại hậu cung. Năm 1992, chính quyền và nhân dân phục dựng lại đại bái quy mô như hiện nay. Đình Hoắc Châu gồm các hạng mục: nghi môn xây dạng trụ biểu, 3 gian hữu mạc, đại bái và hậu cung, mỗi nếp 3 gian theo kiểu chữ Nhị. Nhìn chung, kiến trúc đình hiện nay vẫn bảo tồn phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Đình còn lưu giữ 1 tấm bia đá thời Lê Chính Hòa, còn lại các hiện vật khác đều có niên đại nghệ thuật thế kỷ XX, gồm: 1 hoành phi, 1 đôi câu đối, 1 hương án, 1 bộ bát bửu, 2 đôi chân đèn, một bộ long ngai - bài vị.

Ngôi đình thứ hai nằm trên địa phận xã Châu Sơn, huyện Ba Vì là Đình Hạc Sơn. Đình được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Thành phố năm 2014. Đình thờ Tam vị đại vương là Ngô Hạo, Nguyễn Tuấn, Chu Điền thời Hùng Vương làm Thành hoàng làng.

Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết, đình được xây dựng từ lâu đời và đã trải qua 4 lần di dời vị trí. Lần di dời cuối cùng vào năm 1932, đình được chuyển về vị trí như hiện nay. Trong kháng chiến chống Pháp, đình bị tiêu thổ kháng chiến. Năm 2000, chính quyền và nhân dân địa phương đã khôi phục lại đình trên nền móng cũ với quy mô như hiện nay.

Đình tọa lạc trên thế đất cao ráo, thoáng mát theo hướng nam. Phía trước đình là hồ lớn mang ý nghĩa tụ thủy. Đình kết cấu kiểu chữ Đinh, gồm đại bái 5 gian 2 chái, hậu cung 2 gian vẫn bảo lưu phong cách kiến trúc truyền thống. Đình còn lưu giữ ngai thờ, hoành phi, câu đối, hạc thờ, chấp kích, hương án, long sàng, mâm bồng… có niên đại ở thế kỷ XX.

Chùa Hoắc Châu (còn có tên là Hoa Nghiêm tự) cũng thuộc địa phận thôn Hoắc Châu, xã Châu Sơn, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Chùa được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Thành phố năm 2014. Nhân dân địa phương cho biết, chùa có từ lâu đời, đến năm Tự Đức thứ 24 (1871) trùng tu lại. Năm Thành Thái thứ 13 (1901) xây lại tam quan và tường bao. Chùa tọa lạc trong khuôn viên rộng thoáng, gồm các hạng mục kiến trúc: tam quan xây kiểu 2 tầng mái, tiền đường 5 gian, thượng điện 3 gian 2 chái. Ngoài ra, chùa còn có khu nhà Tổ, nhà Mẫu bảo lưu phong cách truyền thống. Chùa còn lưu giữ 1 quả chuông, 1 khánh đồng (niên hiệu Thành Thái), 2 đôi câu đối, 1 bức hoành phi, 1 hương án và gần 40 pho tượng tròn mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Trên địa phận xã Châu Sơn còn có Chùa Hạc Sơn (còn có tên là Hoa Yên tự). Địa chỉ: Thôn Hạc Sơn, xã Châu Sơn, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Ngôi chùa được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Tỉnh năm 2014. Chùa được xây dựng vào thế kỷ XIX. Trải qua thời gian chiến tranh, chùa bị xuống cấp. Sau ngày hòa bình lập lại, nhân dân địa phương đã khôi phục dần các hạng mục và bổ sung đồ thờ cho di tích. Chùa hiện nay là kết quả của lần trùng tu vào năm 1992 và năm 2001. Chùa Hạc Sơn tọa lạc ngay sát đình Hạc Sơn. Các công trình kiến trúc của chùa gồm tam quan - gác chuông. Kiến trúc chính kết cấu kiểu chữ Đinh, gồm tiền đường 6 gian, thượng điện 3 gian và khu nhà Mẫu 3 gian. Tất cả đều làm bằng gỗ, theo phong cách kiến trúc truyền thống. Chùa còn lưu giữ được trên 20 pho tượng nghệ thuật thế kỷ XX, 2 đôi câu đối, 1 hoành phi và nhiều đồ thờ khác…

Trên đây là vài nét phác thảo về di sản vật thể tiêu biểu vùng đất xã Châu Sơn, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Bạn đọc có thể tìm đọc trọn bộ tập “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” do TS. Vũ Văn Quân chủ biên, thuộc Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019 để hiểu hơn về hệ thống di sản văn hoá vật thể, phi vật thể tiêu biểu của vùng đất Thăng Long - Hà Nội nói chung, của các xã phường thuộc 30 quận, huyện nội ngoại thành của Thủ đô nói riêng.

Trang Thu

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá