Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại
Thứ bảy, 13/08/2011 04:11
Tác giả: TS. Nguyễn Đức Mậu. Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.

Tóm tắt nội dung:

- Hà Nội là địa phương có truyền thuyết về tổ quê ca trù (truyền thuyết ca trù Lỗ Khê) và là nơi có ca trù phát triển lâu đời nhất. Nếu căn cứ vào văn bản còn được lưu truyền hiện nay thì có thể khẳng định rằng Hà Nội có lịch sử ca trù dài nhất, có thời điểm ca trù Hà Nội thịnh hành nhất Việt Nam. Trên cơ sở các tư liệu có thể xác lập một cách rõ ràng, không cần phải biện luận, cũng đủ để khẳng định Hà Nội có vai trò và vị trí rất lớn trong lịch sử ca trù và vì vậy ca trù cũng từng có đóng góp không nhỏ trong đời sống và tâm thức người Hà Nội. Nghiên cứu ca trù Hà Nội qua truyền thuyết, xác định thời gian, thời điểm hình thành và quá trình phát triển ca trù Hà Nội là mục đích quan trọng không chỉ cho Hà Nội mà cho cả nước đối với bộ môn vừa là văn học, vừa là nghệ thuật này.

Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu đó được thể hiện trong công trình Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại, độc giả có điều kiện hiểu biết thêm về một phương diện trong đời sống tinh thần của Hà Nội và vai trò của Hà Nội đối với ca trù.

- Đến nay chưa có một công trình nào đặt vấn đề nghiên cứu sưu tầm và biên soạn ca trù Hà Nội một cách hệ thống. Đề tài này sẽ nghiên cứu ca trù Hà Nội theo tiến trình lịch sử; sưu tầm biên soạn các bài ca trù và các văn bản nói về sinh hoạt ca trù ở Việt Nam. Qua đó, chứng minh vai trò quan trọng của Hà Nội đối với ca trù.

- Tác phẩm sẽ cung cấp một khối lượng tư liệu phong phú góp phần bảo tồn, lưu giữ loại hình văn hoá phi vật thể này. Tác giả cũng đi sâu nghiên cứu các vấn đề ngôn ngữ, âm nhạc trong ca trù, nhất là tính lan toả, chi phối của ca trù Thăng Long - Hà Nội với tư cách là quốc đô Việt Nam.


Bình luận sách

* PGS.TS. Trần Ngọc Vương (Bình luận bản thảo)

1. Nhìn nhận công trình như một tổng thể

TS. Nguyễn Đức Mậu là một trong số rất ít nhà nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay có “thâm niên” trong hướng “thâm canh” về hát nói nói riêng, về ca trù nói chung. Vài chục năm trở lại đây, sự tự định hướng cho mình trở thành một chuyên gia ít nhất trong một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể đã trở thành nếp làm việc có ý thức của các nhà nghiên cứu mà cho tới nay những người đi tiên phong cũng đã tới tuổi lục tuần. Khi lên chương trình biên soạn một cuốn sách về ca trù Hà Nội cho Tủ sách “Nghìn năm Thăng Long”, các nhà hoạch định và chủ đầu tư lựa chọn anh thực hiện là một sự lựa chọn xác đáng. Dĩ nhiên, tôi không nói đó là “sự lựa chọn duy nhất”. Kể từ thời điểm chọn cho mình đề tài luận văn tốt nghiệp đại học cho đến nay, anh Mậu đã có ¼ thế kỷ nghiên cứu ca trù. Có thể nói đó là một cơ sở có độ tin cậy cao cho sự ủy thác của Ban điều hành dự án.

Công trình “Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại” từ một góc độ là sự tiếp tục và hoàn thiện thêm những thành tựu nghiên cứu mà anh Mậu đã thực hiện được trước đây. Cuốn sách cũng là nơi kết tập những kết quả nghiên cứu của một số tác giả khác, dĩ nhiên là theo hướng khai thác hợp thức và hợp pháp. Dĩ nhiên, diện quan tâm của anh Mậu vốn là ca trù trên phạm vi cả nước và trong toàn bộ tiến trình lịch sử của bộ môn nghệ thuật này, nhưng vì vị trí đặc biệt của Hà Nội xưa nay đối với vận mệnh ca trù, việc khảo sát riêng ca trù Hà Nội mang ý nghĩa to lớn để mai hậu, một công trình lý luận và lịch sử ca trù nói chung mới có thể được hình thành.

Là một công trình vừa có nội dung sưu tầm vừa có nhiệm vụ nghiên cứu, “Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại” mang kết cấu về đại thể là đồng dạng với các công trình “cùng môn loại” thuộc dự án Tủ sách mà ở trên vừa đề cập. Tuy được chia làm 4 phần, thực chất cuốn sách có 2 mảng lớn: mảng thứ nhất (tương ứng với phần 1) là “sản phẩm riêng” của anh Mậu, có thể gọi là một chuyên luận về “những vấn đề của ca trù Hà Nội” có độ dài đáng kể (ngót 130 trang đánh máy vi tính A4); mảng thứ hai là 3 phần còn lại.

Trong mảng thứ hai này, phần 2 là quan trọng và vì thế cũng chiếm số lượng trang nhiều nhất là “Tư liệu hát nói Hà Nội”. Phần 3 của công trình có tên “Tư liệu: ký sự, phóng sự và các hồi ức về ca trù” chủ yếu của các danh sĩ trưởng thành sau 1930 viết về ca trù như về “một thời vang bóng”, còn phần 4 với tên gọi “Văn bia và các tư liệu khác” liệt kê và lược thuật, dịch thuật những “di văn” liên quan đến ca trù Hà Nội từ cuối thế kỷ XIX trở về trước. Căn cứ vào những gì đến thời điểm này có được hoặc đã làm được, tôi đồng ý với tác giả về thành phần của cuốn sách, chỉ cho là hợp lý hơn nếu phần 3 và phần 4 hoán vị cho nhau.

          Nhìn vào khối lượng công việc đã thực hiên, có thể nói rằng TS. Nguyễn Đức Mậu đã hoàn thành đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng phần việc mà “bên B” được giao trong Hợp đồng. Nhận định này, theo tôi không phải là một nhận định có tính hình thức mà mang ý nghĩa thực chất, thể hiện thái độ trách nhiệm không chỉ của người thực hiện công trình mà còn cả trách nhiệm của người nghiệm thu, đánh giá nó.

          Công trình cũng còn những chỗ “bất túc”, những khiếm khuyết cần và có thể khắc phục. Để tác giả công trình và những người có trách nhiệm dễ theo dõi hơn, xin được góp ý nương theo bố cục của chính tác giả.

          2. Những nhận xét và góp ý cho từng phần

          2.1. Phần chuyên khảo: Phải thẳng thắn nhận xét rằng cả chương 1 và chương 2 của phần chuyên luận đã không chỉ đề cập mà đi sâu tìm hiểu nhiều vấn đề tinh tế và phức tạp của ca trù nói chung chứ không phải chỉ là của ca trù Hà Nội. Nếu nhìn Hà Nội theo con mắt “một trong 63 tỉnh thành” thì tác giả dường như đã “vơ vào” cho ca trù Hà Nội quá lắm chuyện, nhưng nếu nhìn nhận thực chất vị trí của ca trù Hà Nội so với cả nước thì những gì được trình bày trong chương 1 và chương 2 lại cần thiết chứ không thừa. Dù sao, thì nhân một công trình về ca trù Hà Nội mà bàn đến nhiều những vấn đề của ca trù nói chung hẳn cũng gây ra một cảm nhận rằng ít nhiều áo rộng hơn người. Tác giả nên có đôi lời “định hướng độc giả” thì sẽ phải lẽ hơn.

          Tôi đã đọc rất kỹ phần chuyên luận và có những ghi chú cụ thể vào bản thảo. Có nhiều suy nghĩ, nhiều đề nghị hoặc sự lưu ý không phải chỉ vì chuyện đúng sai, mà còn cả những suy tư “theo dòng”. Nhưng có một số góp ý nhất định tác giả phải lưu tâm, đó là văn bản còn khá nhiều lỗi diễn đạt (chứ không phải lỗi chính tả, ngữ pháp) và nhiều chỗ không có chất kết dính nên gây cảm giác chỏng lỏn hay rời rạc.

          Điều cần góp ý quan trọng nhất chính là việc tác giả chuyên luận phải chỉ ra cho bằng được những gì là đặc sắc của nghệ thuật ca trù nói chung, của hát nói nói riêng trong tương quan với các thể loại văn học/ các loại hình nghệ thuật khác. Nhất là về góc độ mà từ trước đến nay quen diễn đạt là “nội dung”, hẹp hơn nữa, “nội dung tư tưởng”. Ca trù vốn không phải là “nghệ thuật chính thống” dưới chế độ chuyên chế, mà sang thời hiện đại, thời “Cách mạng về” càng bị bao trùm bởi những định kiến “tày đình”. Ở thời điểm hiện nay, há phải vì tinh thần đổi mới chung chung mà ca trù được “giải kết”? Nghệ thuật nào cũng phải có “ngón sở trường”, phải đạt tới mức là “của độc” thì mới có lý do đầy đủ để tồn tại để được ưa chuộng và trân trọng gìn giữ. Không bàn rộng về nghệ thuật “âm nhạc và diễn xướng” thì chí ít cũng nên bàn đến những tác động thẩm mỹ đặc trưng mà ca trù nói chung và hát nói nói riêng đã tạo ra.

          2.2. Phần tư liệu tác phẩm hát nói Hà Nội

          Phải nói là tác giả công trình đã có sự đầu tư công phu cho việc sưu tầm những “tác phẩm” ít hoặc không được xuất bản theo dạng thức thông thường, chính thống, nhất là của những “tác giả văn nghệ quần chúng”. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải cứ được viết ra bằng hình thức của bài hát nói thì nghiễm nhiên những “sáng tác” ấy đã đáng được lưu hành. Theo tôi phần tác phẩm của các tác giả đương đại, nhất là khi không thể hiện những thuộc tính đặc trưng của thể loại, cần được cân nhắc để loại bớt. Ngược lại, có những tác phẩm của các danh sĩ, hoặc viết ở Hà Nội, hoặc viết về Hà Nội, cần phải bổ sung (chẳng hạn một số tác phẩm của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Hoàng Cao Khải, Nguyễn Trọng Hợp…). Với các tác giả Hán Nôm, cần phải rà soát kỹ lại văn bản. Lỗi văn bản quá nhiều.

          2.3. Các phần tư liệu khác: Ít nhất cũng phải bổ sung những tư liệu về ca trù - hát nói trên báo chí từ trước năm 1945, nhất là trước năm 1932. Trước giai đoạn “Thi nhân Việt Nam” có không ít những bậc thức giả bàn về thi phú, về văn chương nói chung, nhất là về các thể loại văn chương truyền thống. Bản thân Tản Đà là một “giảng sư” về ca trù chứ không chỉ là tác giả của những bài hát nói. Ít nhất những ý kiến của Tản Đà, của Nguyễn Mạnh Bổng, của Nguyễn Đôn Phục, của Phạm Quỳnh, của Nguyễn Triệu Luật, của Kiều Thanh Quế… cũng sẽ làm cho ta thấy rằng ý thức “điều hòa tân cựu thổ nạp Á Âu “ của nhiều nhà văn hóa đầu thế kỷ XX đã từng được hiện thực hóa một cách có trách nhiệm và mẫn cán, chứ không là những khẩu hiệu đầu lưỡi.

          3. Đánh giá chung và kiến nghị

          Tuy vẫn còn những chỗ nhất định phải hoàn thiện thêm, công trình “Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại” là một sản phẩm nghiên cứu và sưu tầm, biên khảo có chất lượng. Tác giả cần đầu tư thời gian và tâm lực thêm nữa để nâng cao

 

thêm một bước nữa phần khảo luận, hoàn thiện các văn bản tư liệu, hình thành cho được dạng thức định bản của công trình để xuất bản đúng thời hạn. Mong rằng chủ đầu tư tạo điều kiện thuận lợi để công trình có thể ra mắt đúng kế hoạch.

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá