Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tuyển tập Văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu
Chủ nhật, 14/08/2011 11:47
Tác giả: PGS. Trần Lê Sáng (Chủ trì tuyển chọn, giới thiệu). Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.

Tóm tắt nội dung:

- Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu là một danh nhân văn hoá lớn của đất Thăng Long - Hà Nội. Khối lượng tác phẩm Văn thơ của Nguyễn Văn Siêu để lại rất lớn, có giá trị, đặc biệt phần thơ cho đến nay hầu như chưa được quan tâm tuyển dịch.

- Công trình sẽ đưa ra một cái nhìn tổng quan về danh nhân văn hoá này, những cống hiến đóng góp của ông, cũng như bước đầu có những đánh giá về văn thơ Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu về giá trị nội dung và nghệ thuật.

- Công trình sẽ tuyển chọn và cung cấp cho bạn đọc các bản dịch Văn thơ Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu được chú thích một cách đầy đủ…

- Công trình nhằm phục vụ đối tượng bạn đọc rộng rãi.

Bình luận

  * GS. Nguyễn Đình Chú (Bình luận bản thảo)

Đây là một công trình đồ sộ, đích đáng, có ý nghĩa to lớn trong dịp kỉ niệm 1000 Thăng Long. Chủ biên Trần Lê Sáng và nhóm biên dịch, trong trình độ Hán học hiện nay, đáng để được ghi nhận rằng: “Nhà xuất bản Hà Nội đã chọn đúng mặt để gửi vàng”. Mặc dù phải thấy rằng dịch thơ văn Nguyễn Văn Siêu - một tác gia quá lớn, quá thông thái, không hề là chuyện dễ. Và xin nói ngay, người viết lời nhận xét này tự thấy mình đã chưa đủ khả năng, kể cả thời gian để rà soát toàn bộ văn bản của công trình. Ở đây, chỉ xin được phát biểu ý kiến sơ sơ và bước đầu như sau, chủ yếu là thuộc “Lời giới thiệu” và cách thức tuyển chọn tác phẩm để dịch.

A. Phần “Lời giới thiệu” 55 trang của Ông Trần Lê Sáng quả thật đã gây cho người đọc niềm cảm phục về sự công phu, về khả năng chiếm lĩnh đối tượng - cuộc đời, văn thơ Nguyễn Văn Siêu - không dễ có nhiều ở những công trình khác. Tuy nhiên, tôi có vài ý kiến muốn được tác giả xem xét thêm như sau:

1. Làm sao để hạn chế bớt cái cảm giác nặng nề đối với người đọc bằng cách:

a. Tách “Lời giới thiệu” ra làm 3 phần:

- “Lệ ngôn” (chính là nội dung của mấy trang cuối)

- Phần “Thư tịch Nguyễn Văn Siêu” (chính là nội dung của đoạn giới thiệu Thư tịch Nguyễn Văn Siêu ở trang 21, 22)

- Lời giới thiệu

Ghi chú: Cách sắp xếp: Lệ ngôn - Lời giới thiệu - Thư tịch... xin nói thêm: bố trí lại như thế là không hao hụt gì so với nội dung  đã có – mà lại tránh được việc lặp lại và đỡ cảm giác nặng nề. Người đọc sẽ thoải mái hơn trong tiếp nhận.

b. Riêng Lời giới thiệu đúng là một sự công phu, chứng tỏ là tác giả đọc đến nơi đến chốn các tác phẩm của Nguyễn Văn Siêu. Nhưng tôi vẫn muốn tác giả:

- Rà soát lại bố cục trình bày vấn đề sao cho sáng sủa hơn, hợp lí hơn nữa.

- Riêng về thơ Nguyễn Văn Siêu được trình bày ở 2 phần: phần viết tiểu sử, phần giới thiệu thơ có lẽ nên gộp vào một chỗ. Cụ thể là chuyển thơ ở phần tiểu sử về sau ở đoạn giới thiệu thơ Nguyễn Văn Siêu.

- Nếu đồng ý chuyển một phần ở mấy trang kết luận thành “Lệ ngôn” thì ở phần kết luận sẽ cần tăng tính chất tổng kết nêu lên những giá trị cơ bản nhất, độc đáo nhất trong văn thơ Nguyễn Văn Siêu. Người đọc sẽ có cảm giác: ở bài “Lời giới thiệu” tác giả đang ngừng ở cấp độ giới thiệu các đề tài trong văn thơ Nguyễn Văn Siêu mà chưa nói gì được nhiều về cái hay, cái quý, cái đẹp trong nội dung - tức là phẩm chất tư tưởng, tâm hồn nghệ sĩ của Nguyễn Văn Siêu. Đọc “Lời giới thiệu” không khéo thì người đọc sẽ có cảm tưởng là Nguyễn Văn Siêu viết nhiều nhưng ít hay, không lớn xét về mặt văn chương trong khi Tùng Thiệu Vương thì khen thơ Nguyễn Văn Siêu là: “Lãng văn lão bút khí phiêu phiêu” cũng như sau này Phan Bội Châu khen thơ Cao Bá Quát là “Mây gió xoay tròn đầu ngọn bút”. Giới nghiên cứu văn học gần đây đang muốn chống lại cái gọi là “chủ nghĩa đề tài” trong nghiên cứu, phê bình văn học mà.

2. Một số ý kiến lặt vặt khác:

- Trang 1: Nên dịch lại cho dễ hiểu hơn lời câu đối: Giáng Vọng – Thanh Trì.

- Trang 5: Nên sửa chút ít lời dịch câu: “Ngã cố tri xảo nhi vi chuyết”: Ta vốn biết sự xảo trá nhưng cứ làm ra vẻ khù khờ.

- Trang 7: Tôi muốn xem lại lời dịch 2 câu: “Tâm giao....trạch sư”: Vẫn cánh? Riêng câu sau: liệu có thể sửa lại một chút thế này có được không: một cái lạy cho suốt đời nên phải cẩn thận trong chọn thầy.

- Trang 11: “Thiện giao” có phải là “giỏi thơ văn” không? Hay cũng như quảng giao: giao du nhiều, giỏi giao du?

- Trang 19: dòng 7: “bầu làm” hay “tôn làm”?

- Trang 22: chữ đọc là “tiên” sao lại phiên âm là “giản”

 - Trang 31: nên dịch câu “Thi ngôn chí... đoạt luân”

- Trang 32: Tự điển (Lễ của Khổng Tử): Tự điển có đồng nghĩa với “điển chương”, “điển lệ” mà dịch là “lễ”? Và đã là Lễ thờ Khổng Tử  thì sao lại còn “Thừa tự” (Việc thờ Khổng Tử). Thế thì “Tự điển” và “Thừa tự” là một nội dung ư?

- Trang 36: Cần xem lại ý kiến cho rằng bài “Phụng nghĩ Hoàng triều..... Tây Dương tặc biểu” là “có thể viết vào thời kì có phong trào Cần Vương” thường được nói đến là từ 1885 tức là năm vua Hàm Nghi xuất bôn” ra Quảng Bình phát hịch Cần Vương - Kết thúc vào năm 1895-1896 là năm cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng thất bại, trong khi Nguyễn Văn Siêu đã mất từ năm 1872. Hơn nữa trong nhan đề bài biểu chỉ có hai chữ “Hoàng triều” chứ đâu có chữ “Cần Vương” mà Hoàng triều thì chỉ là từ tôn xưng vương triều. Lời dịch nhan đề như thế là chính xác nhưng giải thích thì sai.

- Trang 37: vị tính sai chữ cách

- Trang 38: có hai chữ “Cần Vương” theo tôi là không viết hoa chữ “cần” để phân biệt với phong trào Cần Vương về sau.

- Trang 39: chữ đọc là “tuyên” hay “ thuyên”? chữ “thuyên” thường được viết là

- Trang 42: dòng đầu: “tiện điện” hay “tiền điện”?

-Trang 49: tôi muốn sửa lại lời dịch câu “Ký hồi .. thuỳ liên” một chút thế này: “Chuyện cũ mấy hồi càng thương tiếc cho ai” được không?

- Trang 52: chữ đọc là Yến hay Yên. Và nếu đọc là Yên thì có phải là Yên Kinh không? Xin hỏi cho rõ?

- Trang 55: Phạm Quang Long là Phó giáo sư. Cần ghi chính xác để ông Long khỏi bị ai đó thắc mắc.

B. Phần văn tuyển – thi tuyển:

- Tôi rất thích vì nó bề thế đồ sộ. Đây là điều kiện cần thiết để độc giả đời nay biết phần nào là “thần Siêu” là “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán”. Xin nói thêm một chút nhân nhắc đến câu này trong 2 câu thường được nhắc đến mà hiện có 2 giả thiết về tác giả: một là Tự Đức, hai là một người Trung Quốc. Còn ở đây thì bạn Trần Lê Sáng muốn khẳng định là của Tự Đức. Theo tôi nên nói khôn hơn dù muốn cho là của Tự Đức vì nếu khẳng định là Tự Đức nói đề đề cao vương triều của mình thì vô hình trung lại đặt ông vua này vào một điều không hay: tự cao dân tộcmột cách mù quáng (ít ra cũng không tỉnh táo). Sao lại “vô Tiền Hán”, “thất Thịnh Đường” được. Tôi nghĩ nhân cách Tự Đức có “khiêm lăng cung” chắc không nói vậy. Tốt nhất là nên nói nước đôi.

- Riêng về phần văn bản, tôi xin không có ý kiến gì bởi hai lẽ:

+ Không có văn bản Hán đề đối chiếu nếu muốn

+ Và có văn bản Hán thì cũng phải mất rất nhiều thời gian, công sức may gì mới có được đôi chút ý kiến.

Vậy xin đề nghị Nhà xuất bản bố trí thêm chuyên gia giỏi về chữ Hán đọc thêm.

Tóm lại, tôi rất thích, rất quý công trình này. Một số ý kiến nêu ra chỉ là để các soạn giả suy nghĩ thêm xem sao.

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá