Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Ba ngôi đền linh thiêng vùng đất xã Ba Vì
Thứ năm, 19/12/2019 03:52

Ngày 12/8/1991, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 đã ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới của Thủ đô Hà Nội, trong đó chuyển huyện Mê Linh về tỉnh Vĩnh Phúc, thị xã Sơn Tây và 5 huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì và Thạch Thất về tỉnh Hà Tây (được tái lập theo cùng Nghị quyết). Từ đó, xã Ba Vì thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết số 15 điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, trong đó sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Từ ngày 1/8/2008, quyết định mở rộng địa giới hành chính Thành phố Hà Nội chính thức có hiệu lực thi hành. Từ đó đến nay, xã Ba Vì là một trong 31 xã và thị trấn thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Xã Ba Vì có hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể phong phú, tiêu biểu trong đó là ba ngôi đền được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, đó là Đền Thượng - Đền Trung và Đền Hạ. Bạn đọc có thể tìm hiểu về đời sống kinh tế, văn hoá của vùng đất này trong bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” gồm 10 tập do PGS.TS Vũ Văn Quân chủ biên, nằm trong cơ cấu đề tài Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019. Trong “Tập 8 - Thị xã Sơn Tây - Huyện Ba Vì - Huyện Thạch Thất”, PGS.TS Vũ Văn Quân đã thống kê khá toàn diện về hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của vùng đất Sơn Tây, trong đó có xã Ba Vì, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Đền chính (Đền Thượng) ở trên đỉnh núi, thờ Tam vị Đức Thánh Tản (Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh. Đền Trung ở sườn núi thờ thêm hai vị sơn thần là Nguyễn Hương và Nguyễn Lang. Đền Hạ dưới chân núi cũng thờ thần núi Tản Viên. Cả ba ngôi đền thuộc xã Ba Vì, huyện Ba Vì thành phố Hà Nội.

Tản Viên tương truyền tên là Nguyễn Tuấn, con ông Nguyễn Cao Hạnh và bà Đinh Thị Điên ở động Lăng Xương, đạo Hưng Hóa, xứ Sơn Tây, sống ở thời Hùng Duệ Vương. Khi trưởng thành, ngài học được pháp thuật trở thành thần núi Tản Viên, còn gọi là Sơn Tinh. Ngài lấy vợ là Ngọc Hoa công chúa - con gái Hùng Duệ Vương. Tản Viên có công đánh quân Thục bảo vệ đất nước. Sau khi hóa ở núi Tản (Ba Vì), ngài thường âm phù cho các vua đời sau đánh thắng giặc, đất nước yên bình. Vua phong Tản Viên là Thượng đẳng thần. Cao Sơn và Quý Minh tương truyền là hai người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, đã theo mẹ Âu Cơ lên núi khai phá đất đai lập làng. Cao Sơn tên thật là Nguyễn Hiển và Quý Minh tên thật là Nguyễn Sùng. Hai vị thần sống ở thời Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương), có công giúp vua Hùng nhiều phen đánh thắng Thục Phán. Cao Sơn và Quý Minh là hai thần ngự ở hai bên tả hữu của ba ngọn Ba Vì (Tản Viên ở giữa, Cao Sơn bên trái, Quý Minh bên phải). Về sau, hai ông được phong làm Thượng đẳng phúc thần, vua Đinh Tiên Hoàng phong là Cao Sơn linh ứng đại vương và Quý Minh linh ứng đại vương. Hiện chưa rõ năm khởi dựng chính xác của di tích Đền Thượng, chỉ biết đến thời Lý Nhân Tông Đền Thượng đã có quy mô to lớn để thờ Đức Thánh Tản.

Đền Thượng năm trong quần thể vườn quốc gia Ba Vì, tọa lạc trên độ cao 1200m so với mặt nước biển. Đền quay hướng nam. Từ nghi môn đến đền Thượng qua 424 bậc đá quanh co. Đền Thượng gồm 3 gian 2 chái, làm bằng gạch, bê tông theo kiểu kiến trúc truyền thống. Trước đền, có 1 am nhỏ thờ mẫu Cửu Trùng Thiên. Trong đền, chia làm 3 ban: ban thờ Tản Viên Sơn Thánh, Ban thờ chúa Sơn Trang và ban thờ mẫu Thượng Thiên. Đình còn lưu giữ 3 pho tượng đá, 1 khám thờ, 1 đôi nghê đá, 6 pho tượng gỗ, 1 ngai thờ, 4 hương án, 1 lư hương, 1 hoành phi, 1 đôi câu đối… cùng nhiều đồ thờ khác có niên đại thế kỷ XIX-XX.

Trong Tài liệu thư tịch của vùng này, sách Bắc thành địa dư chí lục chép về Đền thờ Tản Viên quốc chủ tam vị đại vương như sau: “Đền thờ ở địa phận sách Thủ Pháp huyện Bất Bạt, được xây dựng vào thời Đường Ý Tông (861-873). Ba vị đại vương là hậu duệ họ Hồng Bàng: một là Nguyễn Hương, một là Nguyễn Tuấn, một là Nguyễn Lang. Tương truyền vua Hùng Vương có một người con gái tên gọi Mỵ Nương, khi kén rể có một người xưng là Sơn Tinh, một người xưng là Thủy Tinh đến xin được cầu hôn. Vua hẹn ai đưa sính lễ đến trước sẽ gả con gái cho. Ngày hôm sau Sơn Tinh đem lễ đến trước, vua gả Mỵ Nương cho Sơn Tinh đưa về núi Tản Viên. Thủy Tinh đến sau không kịp, bèn tập hợp các loài thủy tộc đuổi theo. Sơn Tinh hóa phép, Thủy Tinh không xâm phạm được. Truyền rằng: Sơn Tinh chính là Nguyễn Tuấn. Trải các triều đều được gia phong “Nam thiên đệ nhất thượng đẳng tối linh” (sách Lĩnh Nam chích quái)”.

Trên đây là vài nét phác thảo về di sản vật thể tiêu biểu vùng đất xã Ba Vì, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Bạn đọc có thể tìm đọc trọn bộ tập “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” gồm 10 tập, do TS. Vũ Văn Quân chủ biên, thuộc Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019 để hiểu hơn về hệ thống di sản văn hoá vật thể, phi vật thể tiêu biểu của vùng đất Thăng Long - Hà Nội nói chung, của các xã phường thuộc 30 quận, huyện nội ngoại thành của Thủ đô nói riêng.

Trang Thu

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá