Vài nét về Hoàng hậu Man Thiện trong các di tích cổ xã Cam Thượng, Ba Vì, Hà Nội
Xã Cam Thượng có hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể khá phong phú, tiêu biểu trong đó là ngôi đền Thịnh Thôn và di tích Miếu Mèn. Bạn đọc có thể tìm hiểu về đời sống kinh tế, văn hoá của vùng đất này trong bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” gồm 10 tập do PGS.TS Vũ Văn Quân chủ biên, nằm trong cơ cấu đề tài Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019. Trong “Tập 8 - Thị xã Sơn Tây - Huyện Ba Vì - Huyện Thạch Thất”, PGS.TS Vũ Văn Quân đã thống kê khá toàn diện về hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của vùng đất Sơn Tây, trong đó có xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
Đền Thịnh Thôn thuộc địa phận làng Thịnh Thôn, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Đền dược xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1992. Đền thờ bà Man Thiện. Tương truyền bà là vợ của Hùng Định - Lạc tướng vùng Mê Linh và là mẹ của hai vị nữ anh hùng Trưng Trắc, Trưng Nhị. Bà là dòng dõi bên ngoại của Hùng Vương, có tài võ nghệ, ứng biến hoạt bát. Bà là người liên kết, chỉ huy lực lượng trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng, được tôn xưng là Man hoàng hậu. Trong cuộc chiến chống Mã Viện, khi thế giặc mạnh, bà đã tuẫn tiết để khỏi sa vào tay giặc. Theo truyền thuyết và Thần phả năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), ở nhánh sông làng Thịnh Thôn là nơi xác bà Man Thiện sau khi tử trận đã trôi về, nhân dân vớt lên rồi chôn tại cánh đồng, từ đó dân làng đã lập đền thờ ghi nhớ công lao của bà.
Đền Thịnh Thôn bố cục kiểu chữ Đinh, gồm đại bái, tiền tế và hậu cung. Đại bái 3 gian, vì kèo kiểu kèo kẻ giá chiêng, xây tường hồi bít đốc. Trang trí kiến trúc tập trung ở các đầu dư chạm khắc kiểu đốt trúc, các kẻ bẩy, con rường… với các mảng chạm khắc gỗ với các hoạ tiết lá lật. Tiền tế 3 gian, bờ nóc, bờ giải đặt các kìm, nghê, rang… Phần kiến trúc thiên về bền chắc, được bào trơn đóng bén. Hậu cung nối với tiền tế. Trên cửa hậu cung có ba chữ Hán Nôm Tối linh từ, dưới bức đại tự có hai bức cốn chạm nổi chim phượng chầu vào hậu cung. Đền còn lưu giữ long ngai, bài vị, đại tự, câu đối.
Di tích Miếu Mèn nằm trên địa phận thôn Nam An, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Đây là công trình được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1990. Miếu thờ bà Man Thiện. Trong cuộc chiến chống Mã Viện, khi thế giặc mạnh, bà đã tuẫn tiết để khỏi sa vào tay giặc. Nhân dân vô cùng thương tiếc, an táng bà tại gò Mả Dạ và lập miếu thờ phụng. Miếu Mèn được xây dựng từ lâu đời, kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm tiền tế, đại bái, hậu cung, chủ yếu được xây tường gạch, lát nền, ngói lợp mái, khung bằng gỗ. Tiền tế 3 gian, kiểu tường hồi bít đốc, vì kèo kiểu chồng rường giá chiêng hạ kẻ. Đại bái 3 gian, kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, vì kèo kiểu chồng rường giá chiêng, hạ kẻ và bẩy hiên trên 4 hàng chân cột. Hậu cung có 3 gian dọc, nối liền với gian giữa đại bái, kết cấu giống hai nhà ngoài. Kết cấu bộ khung chủ yếu được bào trơn, soi gờ đơn giản, thanh thoát. Miếu còn lưu giữ sắc phong, kiệu bát cống, long ngai, bài vị, hương án, Nghê gỗ, hoành phi, câu đối.
Thần tích, thần sắc của thôn Nam An cũng có ghi chép về Man hoàng hậu. Đó là thần tích, “Man hoàng hậu đại vương ngọc phả cổ lục”, do Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), sao lại năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765), gồm 5 tờ, khổ 22x30, trong “Sơn Tây tỉnh Tùng Thiện huyện Cam Thượng tổng các xã thần tích”, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AE.a10/14. Nội dung của thần tích là ghi lại sự tích vị thần triều Hùng, sắc phong Man hoàng hậu đại vương.
Tiếp đó, thần tích thôn Nam An gồm 10 trang, trong “Sơn Tây tỉnh Tùng Thiện huyện Cam Thượng tổng Nam An xã thần sắc”, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AD. a10/14. Nội dung của bản thần tích này là phong cấp cho Man hoàng hậu uy linh … đại vương vào các năm Cảnh Hưng (3 đạo), Chiêu Thống (1 đạo) và Cảnh Thịnh (1 đạo).
Trên đây là vài nét phác thảo về di sản vật thể tiêu biểu vùng đất xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Bạn đọc có thể tìm đọc trọn bộ tập “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” gồm 10 tập, do TS. Vũ Văn Quân chủ biên, thuộc Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019 để hiểu hơn về hệ thống di sản văn hoá vật thể, phi vật thể tiêu biểu của vùng đất Thăng Long - Hà Nội nói chung, của các xã phường thuộc 30 quận, huyện nội ngoại thành của Thủ đô nói riêng.
Trang Thu