Di tích Đồng Vông – một di tích văn hóa Phùng Nguyên thuộc loại hình Gò Bông trên đất Hà Nội
Di tích Đồng Vông còn có tên là Đường Vông, nằm trên doi đất cao cạnh bờ nam sông Hoàng Giang thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Di chỉ nằm ở phía nam thành Cổ Loa, là một khu đất cao nối liền với khu Hình Nhân và Bãi Mèn, cách Quốc lộ 3 Hà Nội - Đông Anh - Thái Nguyên 800m. Di tích có diện tích khoảng 10.000m2, được phát hiện vào năm 1965, đào 3 hố thám sát ở phía nam khu di chỉ vào năm 1967. Cho đến nay, di tích Đồng Vông đã qua 5 lần khai quật:
Đợt khai quật thứ nhất tiến hành vào tháng 6/1969: Bộ môn Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức khai quật, đào 100m2.
Đợt khai quật thứ hai tiến hành vào cuối năm 1969 – đầu năm 1970: Viện Khảo cổ học tổ chức khai quật, đào 3 hố với diện tích 142,16m2. Đợt khai quật thứ ba tiến hành vào năm 1977: Bộ môn Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức khai quật, đào 283m2.
Đợt khai quật thứ tư tiến hành vào năm 1997: Ban Quản lý di tích và Danh thắng Hà Nội tổ chức khai quật, đào 10,50m2.
Đợt khai quật thứ năm tiến hành vào năm 2003: Viện Khảo cổ học tổ chức khai quật, đào 350m2.
Ngoài ra năm 1997, Viện Khảo cổ học đào thám sát 4m2. Như vậy, diện tích khai quật ở Đồng Vông lên tới 900m2.
Tầng văn hóa tương đối đồng nhất, không bị xáo trộn song phân bố không đồng đều, chỗ dày, chỗ mỏng, phía bắc gần sông Hoàng Giang dày hơn phía nam. Tầng văn hóa chỗ dày nhất lên tới 1,40m, chỗ mỏng nhất chỉ dày 0,40m. Tầng văn hóa nửa trên có màu nâu nhạt, nửa dưới có màu đen sẫm, được cấu tạo từ đất phù sa pha cát mịn, trong chứa nhiều hiện vật đá và mảnh gốm cùng một số xương răng động vật. Hiện vật thu được khá phong phú, đa dạng, chủ yếu là đồ đá và đồ gốm.
Kết quả các đợt khai quật 1, 2, 3 và 4 với diện tích 530,66m2 đã thu được 1.055 hiện vật đá, hơn 300 hiện vật gốm tương đối nguyên vẹn hoặc có thể phục chế được và trên 60.000 mảnh gố vỡ. Riêng cuộc khai quật lần thứ 3, với diện tích đào 283m2, đã thu được trên 500 đồ đá và 76 đồ gốm tương đối nguyên vẹn.
Đồ đá có số lượng nhiều hơn cả là bàn mài, rìu bôn và chì lưới. Chỉ riêng cuộc khai quật lần thứ 3 đã thu được 214 bàn mài, 25 rìu bôn, 22 chì lưới, 15 đục, 28 mảnh vòng trang sức, 2 khuyên tai, 3 hạt chuỗi hình trụ. Đáng chú ý là ở đây còn phát hiện 3 dọi xe sợi bằng đá, 5 chày nghiền và 2 bàn dập hoa văn, đều là các công cụ ít gặp trong đồ đá Văn hóa Phùng Nguyên. Rìu bôn ở đây đều thuộc loại rìu bôn tứ giác, kích thước tương đối nhỏ, trong đó có loại gần hình vuông được chế tác từ đá nêphơrit là loại đá thường dùng để làm đồ trang sức. Vòng trang sức thường có mặt cắt ngang hình chữ T, hình chữ L, gần hình tam giác, hình thang cân. Có vài mảnh vòng có bản rộng tới 2,4cm, màu tím vân trắng, mặt vòng có các đường gò song song nổi cao.
Đồ gốm gồm 2 loại thô và mịn. Gốm thô có số lượng lớn hơn gốm mịn, thường có màu đỏ, mặt ngoài được phủ một lớp áo gốm nhưng phần lớn đã bị bong. Loại gốm này ít được trang trí hoa văn, nếu có cũng đơn giản, chủ yếu là văn thừng. Gốm mịn có số lượng ít hơn, song so với các di tích văn hóa Phùng Nguyên khác trong vùng thì nhiều hơn đáng kể. Gốm mịn thường có màu xám nhạt và trang trí hoa văn khá phong phú, nhiều hơn cả là văn thừng mịn, văn khắc, văn chải, in dấu vải. Ở đây có nhiều mô típ hoa văn khắc vạch chấm dải hình chữ S, hình tam giác có móc tạo thành các đồ án đối xứng đẹp mắt, khá giống với gốm Gò Bông (Phú Thọ), Nghĩa Lập (Vĩnh Phúc). Về loại hình, chủ yếu vẫn là các loại vò, nồi miệng loe đáy tròn; bình, bát có chân đế cao, miệng hơi khum vào. ở đây cũng thu được chạc gốm, bi gốm và chì lưới bằng gốm. Đáng chú ý, cho đến nay, Đồng Vông là di tích phát hiện được nhiều chì lưới nhất, gồm cả bằng đá và bằng gốm, trong đó chì lưới bằng đá chiếm đa số.
Đặc biệt đáng chú ý là trong văn hóa Đồng Vông đã phát hiện được 2 mảnh khuôn đúc và một số cục xỉ đồng. Hai mảnh khuôn đúc bằng gốm không chắc là di vật của giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên. Nếu đúng là sản phẩm của giai đoạn Phùng Nguyên thì đây là những mảnh khuôn đúc của văn hóa Phùng Nguyên lần đầu tiên phát hiện được. Còn những cục xỉ đồng cũng đã phát hiện được trong một vài di tích văn hóa Phùng Nguyên ở các tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ.
Như vậy, di tích Đồng Vông là một di tích văn hóa Phùng Nguyên vào loại phong phú nhất, cũng là di tích được tiến hành khai quật nhiều lần nhất trên địa bàn Hà Nội. Với đặc trưng chất liệu và hoa văn đồ gốm, các nhà khảo cổ không những xếp di tích Đồng Vông vào văn hóa Phùng Nguyên mà còn xem Đồng Vông là một di tích thuộc loại hình Gò Bông.
Văn Quân