Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Di sản vật thể chùa Tháp Thượng và đền Tháp Thượng – Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1991
Thứ ba, 10/12/2019 02:02

Bộ sách“Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc mảng sách Tư liệu - Tổng hợp của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, bộ sách giới thiệu tổng quát về vị trí địa lý, lịch sử diên cách, các đặc điểm nổi bật về lịch sử, kinh tế, văn hoá, các di sản văn hoá vật thể - phi vật thể đã và đang tồn tại tại các cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn 30 quận, huyện Hà Nội hiện nay. Trong bộ sách đó, cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” dày 1.000 trang. Qua những trang hồ sơ tư liệu này, chúng ta có thể tìm hiểu những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của huyện Đan Phượng, trong đó là xã Song Phượng nơi có những di sản được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia là chùa Tháp Thượng và đền Tháp Thượng.

 Vài nét về xã Song Phượng

          Xã Song Phượng phía đông giáp xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức; phía tây giáp xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng; phía nam giáp xã Minh Khai, huyện Hoài Đức; phía bắc giáp thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng. Xã Song Phượng hiện nay gồm có 4 thôn. Thôn Tháp Thượng cuối thế kỷ XIX về trước là một phần thôn Tháp Thượng thuộc xã Đan Phượng Hạ, khoảng năm 1888 tách thành thôn độc lập thuộc tổng Đan Phượng Thượng, đến khoảng năm 1926 đổi thành xã Tháp Thượng. Xã Tháp Thượng nay chủ yếu là thôn Tháp Thượng thuộc xã Song Phượng, một phần thuộc xã Đồng Tháp. Thôn Thu Quế, trước năm 1945 là xã Thu Quế. Thôn Thuận Thượng, trước năm 1945 là xã Thuận Thượng, xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XIX, và thôn Thống Nhất. Tính đến năm 2008, xã Song Phượng có một làng được Uỷ ban nhân dân Thành phố công nhận làng nghề, đó là Làng nghề chế biến lương thực thực phẩm thôn Tháp Thượng. Thôn Tháp Thượng nổi tiếng về nghề làm bánh rán, bánh dày.

          Chùa Tháp Thượng (chùa Nhạn Tháp)

          Chùa thuộc thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Chùa được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc  gia năm 1991. Chùa quay hướng Tây, kiến trúc chính của chùa được xây dựng theo hình chữ “đinh” gồm tiền đường và thượng điện. Hai bên tường hồi lối ra hiên chùa gắn các tấm bia hậu. Tiền đường 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì kiểu chồng rường, giá chiêng, bẩy hiên. Nghệ thuật điêu khắc trang trí tập trung trên các con rường, kẻ, bẩy với các đề tài hoa văn xoắn ốc và đao mác. Thượng điện là một gian nhà dọc nối liền từ gian giữa tiền đường có kết cấu kiến trúc tương tự như tiền đường. Thượng điện bài trí hệ thống tượng Phật. Ngoài tiền đường là đặt tượng Đức Ông và Thánh Tăng mang phong cách thời Nguyễn. Gác chuông làm theo kiểu tầng mái với 4 hàng chân cột. Các bờ dải, cốn nách được trang trí hình rồng, đài sen, vân mây… có niên đại thế kỷ XIX. Chùa còn lưu giữ 7 tấm bia đá trong đó có một bia dựng năm Cảnh Hưngg thứ 35 (1774), 1 khánh đồng, 1 chuông đồng đúc năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800), đài hương, đài nến, lọ lục bình, câu đối, hoành phi…

          Đền Tháp Thượng

          Đền thuộc thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Đền được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1991. Đền thờ tướng quân Lôi Chấn, quê ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay thuộc Nam Định). Thân phụ là Cao Cự, từng làm quan ở huyện Đan Phượng thời thuộc Hán. Năm Lôi Chấn lên 10, Cao Cự bị thái thú Tô Định giết  hại. Lớn lên ông chiêu mộ binh sĩ trong huyện được 500 người, đi theo Hai Bà Trưng đánh giặc và lập nhiều công lớn. Sau khi Trưng Vương thất bại, ông đi chu du thiên hạ. Sau khi hóa, nhân dân Tháp Thượng đã rước duệ hiệu của ông về thờ.

          Đền được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, kiến trúc hình chữ “đinh” gồm tiền tế và hậu cung. Tiền tế 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì kiểu chồng rường, hạ kẻ và bẩy hiên. Hậu cung 3 gian nối liền với gian giữa của tiền tế. Các bộ vì được làm tương tự như tiền tế, riêng vì kèo sát cung cấm làm theo kiểu ván bưng. Trong cung cấm đặt một khám thờ, bên trong đặt long ngai, bài vị, sắc phong và đồ tế khí.

          Đền còn lưu giữ 20 đạo sắc phong, đạo sắc sớm nhất có niên đại Chiêu Thống thứ nhất (1787), 1 cuốn ngọc phả, 3 bộ long ngai bài vị, 1 bộ kiệu bát cống, khám thờ gỗ, 1 sập chân quỳ dạ  cá trang trí tứ linh, 3 bức hoành phi, 3 đôi câu đối, 1 đôi ngựa thờ (1 con trắng  - 1 con đỏ), lư hương, hạc thờ, cây đèn, bát bửu, biển, lọng…

          Đó là vài nét khái quát về di sản vật thể chùa Tháp Thượng và đền Tháp Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng. Đối với những độc giả muốn tìm hiểu về những di sản vật thể và phi vật thể của xã Song Phượng thì cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến là cuốn sách hữu ích, đối với những ai mốn tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến thì cuốn sách này là một trong những tài liệu có ý nghĩa để tham khảo.

 Đức Anh

Tin cùng chuyên mục
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá