Trò giồng voi: diễn ra vào chiều ngày mồng 6 ngay tại sới vật trên thửa ruộng 5 sào xứ Đồng Rích trước cửa đình làng Khê Thượng. Trò diễn do hai nhóm đô vật (hói) đảm nhận. Mỗi nhóm gồm 3 hói vào hạng. Một hói khoẻ nhất đứng tấn làm trụ, một hói ngồi lên vai hói đứng, hai tay chắp trước ngực làm quản voi. Hói thứ ba chân quặp ngang bụng hói đứng, nhoài ngang đầu ra phía trước làm đầu và vòi. Để giúp hói ba giữ được thế nằm ngang, hai bàn chân của hói ngồi móc lấy hai nách và hai tay của hói đứng quắp lấy hai sườn của hói ba.
Do được luyện tập từ trước, chỉ sau mấy tiếng trống lệnh, họ đã giồng thành hai con voi đứng ngang hàng chầu vào cửa đình, thân đung đưa và đầu ngúc ngắc. Trẻ em, người lớn đứng xem đông nghịt, không ai không hò reo cổ vũ. Khi đó, hói nhất đứng lên, tay cầm một dải lụa đỏ quàng qua hai đầu voi, đoạn dắt cặp voi tiến lên trước sới. Khi đã yên vị, ông xướng lên một bài hát, hai tay vỗ bắt nhịp. Bài hát dài tới mươi mười lăm phút, mà cặp voi vẫn đứng vững, quả là các hói có sức khoẻ bền dai. Rất tiếc, cho đến nay lời bài hát vẫn chưa sưu tầm được.
Trò chém may: diễn ra vào ngày mồng 7, ngày rã hội. Người được giao trọng trách “chém may” là thủ phiên của giáp đăng cai. Ông ta chít khăn, mình trần, mặc quần lá toạ phân đôi và thắt lưng lụa, tất cả đều màu đỏ. Tay trái, ông cầm mộc. Chiếc mộc đan bằng tre hình thuyền, dài khoảng 60 phân cũng được sơn màu đỏ. Tay phải ông cầm dao, lưỡi dao bằng đầu, bản hẹp, dài khoảng 9 vổ, chưa kể chuôi, nom y như thanh kiếm (hai thứ này, sau hội được phong giấy điều cất giữ ở hậu cung đình). Vật để chém là một cây chuối tây cao khoảng 1,5m đã bóc bỏ mấy lớp bẹ ngoài, chỉ để hai, ba lá, chôn đứng giữa bãi Đồng Rích. Một bánh pháo dài được buông từ ngọn chuối xuống chạm đất. Cùng trình diễn với thủ phiên là hai tốp tráng đinh vận võ phục, tay cầm các loại vũ khí như côn kiếm, truỳ đồng, phủ, việt… Đứng đầu hai toán quân là hai tướng, tay cầm cờ lệnh.
Trước khi vào trò, thủ phiên làm lễ Thánh. Đoạn quay ra và từng bước theo nhịp trống tiến đến võ đài. Trong khi đó, hai toán quân rầm rộ theo hình xoáy ốc đối xứng nhau vận động cuồn cuộn tiến ra theo thủ phiên. Các đường hành tiến, uốn lượn phức tạp nhưng phối hợp rất nhịp nhàng đẹp mắt giữa thủ phiên và hai tốp quân làm người xem như nhập vào một thế thiên la địa võng.
Cho đến khi người xướng tế xướng: “Khởi trừ gian đạo” thì phút hồi hộp nhất của trò “chém may” bắt đầu. Bánh pháo được châm ngòi, nổ ran. Người chém phải tính toán, lựa chọn, cân nhắc trong chớp mắt, nhưng chính xác sao cho vung một đường dao, cây chuối phải đứt thành 3 đoạn. Đó là nghệ thuật điêu luyện, các cụ gọi là “chém nghịch”. Khi đường dao phạt xuống, thân chuối đứt làm đôi. Và lúc đường dao theo đà hất ngược cũng là lúc ngọn chuối đổ xuống gặp lưỡi dao hất lên đứt luôn thành hai đoạn nữa. Quả là điệu nghệ.
Ngoại lệ phải chém một nhát, chuối đứt 3 đoạn, người chém còn phải tính thời gian chuẩn sao cho khi chém xong, pháo nổ dăm tiếng cuối cùng. Chém sớm hoặc chém sau khi hết pháo nổ đều bị phạt vạ. Vì thế là không may. Năm ấy làng xóm sẽ khó làm ăn. Nếu chém đạt cả hai lệ đó là gặp may, năm ấy cày cấy sẽ được mùa, làng xóm sẽ nhân khang vật thịnh.
Thực chất của 2 trò diễn này là làm xiếc dân gian chỉ những đô vật, những hói có hạng mới thực hiện được. Đây rất có thể là 2 trò diễn thuộc loại độc đáo kỳ thú nhất của trò diễn trong các lễ hội Thăng Long – Hà Nội.
Qua những hình ảnh giới thiệu về trò giồng voi, chém may trong lễ hội làng Khê Thượng trong cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian”, chúng ta có thể cảm nhận được những giá trị văn hoá trong trò diễn này. Cuốn sách này cùng những tập sách với các chủ đề: Đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, nhà thờ; Làng nghề, phố nghề; Ẩm thực; Khách sạn hàng đầu trong bộ sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội” sẽ là tài liệu tham khảo có ý nghĩa, hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa và di sản văn hoá phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội. Ngoài ra, độc giả có thể tham khảo bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long” thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên gồm 10 tập, với dung lượng hơn 10.000 trang. Bộ sách giới thiệu tổng quát về vị trí địa lý, lịch sử diên cách, các đặc điểm nổi bật về lịch sử, kinh tế, văn hoá, các di sản văn hoá vật thể - phi vật thể đã và đang tồn tại tại các cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn 30 quận, huyện Hà Nội hiện nay, đặc biệt là các lễ hội, trò chơi, trò diễn tại các lễ hội của vùng đất Hà Nội ngày nay.
Viết Nguyễn